TS. Michael DiGregorio

Đại diện quốc gia, Quỹ Châu Á

TIỂU SỬ

Tiến sĩ Michael R. DiGregorio là Đại diện Quốc gia tại Việt Nam của Quỹ Châu Á. Ông đã phụ trách quản lý công việc của Quỹ tại Việt Nam từ năm 2014, trong thời gian đó, ông đã quản lý các dự án và chương trình mới nhằm khắc phục rủi ro thiên tai liên quan đến doanh nghiệp, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở phạm vi thành phố, tài chính xanh, truy xuất nguồn gốc bằng blockchain cho nông nghiệp xuất khẩu, các ứng dụng kỹ thuật số cho nền kinh tế “công việc tạm thời”, tạo thuận lợi thương mại, lập kế hoạch năng lượng và tài chính số cho nông dân nông thôn, vùng sâu vùng xa và chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trước khi gia nhập Quỹ châu Á, ông là nhà nghiên cứu trong Mạng lưới các thành phố Châu Á thích ứng với biến đổi khí hậu của Quỹ Rockefeller. Từ năm 2002-2009, Tiến sĩ DiGregorio phụ trách chương trình giáo dục, truyền thông, nghệ thuật và văn hóa của Quỹ Ford tại Việt Nam.

Ông Michael nhận bằng Tiến sĩ về Quy hoạch Đô thị tại Đại học California, Los Angeles năm 2001 với luận án về quá trình công nghiệp hóa các làng nghề ở Đồng bằng sông Hồng nhìn từ góc độ văn hóa. Luận văn thạc sĩ của ông về Quy hoạch Đô thị và Khu vực từ Đại học Hawaii được xuất bản vào năm 1994 với tựa đề “Sản phẩm Đô thị: Tái chế trong vai trò một ngành công nghiệp nông thôn ở Miền Bắc Việt Nam”. Tiến sĩ DiGregorio cũng có bằng Thạc sĩ Kinh tế Phát triển của Đại học Ohio và bằng Cử nhân Thần học của Trường Cao đẳng Kinh thánh Trung ương.

CHỦ ĐỀ

CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CÁC BON THẤP TẠI ĐÀ NẴNG, VIỆT NAM

TÓM TẮT

Từ năm 1985 đến năm 2014, cường độ năng lượng (EI) của Việt Nam, một thước đo khối lượng năng lượng cần thiết để tạo ra một đơn vị GDP, đã tăng từ 0,18 kWh lên 0,90 kWh. Đây là mức cường độ năng lượng cao nhất trong ASEAN và có thể sẽ vẫn tiếp diễn, ngay cả khi Bộ Công Thương đã đưa ra các mục tiêu về sử dụng năng lượng hiệu quả. Cường độ năng lượng ở mức cao của Việt Nam chủ yếu có nguyên nhân từ lĩnh vực sản xuất, trong đó EI tăng từ 0,40 lên 1,3 kWh với mỗi đô la Mỹ. Theo một số nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính dẫn đến mức cường độ năng lượng cao như vậy là do Việt Nam có biểu giá điện tương đối thấp đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất. Biểu giá điện thấp nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp, nhưng trên thực tế lại khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều điện hơn các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, thay vì đầu tư vào các quy trình sản xuất hoặc công nghệ chế biến hiệu quả về năng lượng. Từ năm 2013-2015, Quỹ Châu Á đã thực hiện một dự án do Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh hỗ trợ, nhằm khuyến khích doanh nghiệp giảm sử dụng năng lượng, đồng nghĩa giảm phát thải KNK của họ, thông qua các biện pháp can thiệp nhằm giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Dự án đã thành công về mục tiêu giảm phát thải, nhưng quan trọng hơn, xác định mô hình phối hợp với doanh nghiệp trong nhiệm vụ quan trọng này.